Muốn luộc vịt không hôi bạn cần có một số bí quyết nhỏ. Hãy cùng tìm hiểu nhé.
Vịt luộc là món ăn đơn giản, được nhiều người yêu thích. Miếng thịt vịt mềm ngọt kết hợp với nước chấm pha từ nước mắm hay nước tương đều ngon. Bạn còn có thể sử dụng thịt vịt luộc để làm các món như bún vịt, gỏi vịt…
Vịt luộc là món ăn dân dã, được nhiều người yêu thích.
Khi luộc vịt, vấn đề mà nhiều người hay gặp phải nhất chính là thịt vịt bị hôi, ăn không ngon. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này. Có thể là do bạn chọn vịt không đúng cách, sơ chế không chuẩn khiến vịt không được thơm ngon.
Để luộc vịt không bị hôi, thịt mềm ngọt, bạn có thể áp dụng những mẹo nhỏ dưới đây.
Chọn vịt ngon
Vịt non thường có mùi tanh khó chịu hơn vịt trưởng thành. Ngoài ra, thịt vịt thường bị nát, ăn không ngon. Trong khi đó, vịt già có phần thịt dai. Vì vậy, bạn chỉ nên chọn vịt vừa đủ trưởng thành, tầm 60-80 ngày tuổi là ngon nhất. Vịt có ức tròn, lông mượt, hai cánh dài, chóp cánh chéo lại xếp lên nhau dưới đuôi. Kiểm tra bàn chân của vịt, phía dưới có cục chai mềm mỏng.
Trước khi luộc vịt, bạn cần sơ chế cẩn thận để loại bỏ mùi hôi của vịt.
Cách sơ chế vịt
Một kinh nghiệm dân gian giúp khử mùi hôi của vịt là cho vịt uống chút rượu trắng hoặc nước cốt chanh trước khi mổ. Vặt sạch phần lông vịt.
Nên cắt bỏ phần phao câu vì đây là nơi có tuyến dịch chứa nhiều vi khuẩn và gây ra mùi hôi.
Dùng muối hạt và chanh chà xát lên toàn bộ con vịt để loại bỏ các chất bẩn, khử mùi hôi. Ngoài ra, có thể dùng rượu trắng và gừng đập dập để chà xát, làm sạch vịt. Chú ý loại bỏ cả phần đen bên trong lỗ chân lông của con vịt sau khi nhổ lông.
Sơ chế kỹ sẽ giúp vị thơm ngon, không bị hôi.
Gia vị luộc vịt
Thông thường, gia vị luộc vịt sẽ có gừng, sả. Do thịt vịt có tính hàn nên khi thuộc cho thêm các nguyên liệu tính nóng sẽ giúp cân bằng âm dương. Ngoài ra, các loại gia vị này giúp tạo mùi thơm, khử tanh cho vịt.
Có thể nêm thêm một chút muối, hành tây, rượu trắng để thịt vịt thơm hơn, đậm đà hơn.
Một nguyên liệu giúp thịt vịt thơm ngọt mà không nhiều người biết chính là mướp hương. Mướp hương có mùi thơm và có vị ngọt, giúp vịt luộc ngon hơn rất nhiều.
Ngoài ra, bạn có thể sử dụng nước dừa để luộc vịt thay cho nước lã thông thường. Nước dừa và phần cùi dừa giúp thịt vịt có độ thơm ngọt, béo ngậy tự nhiên.
Lưu ý khi luộc vịt
Khi luộc gà, bạn nên luộc bằng nước lạnh vì da gà mỏng, dễ bị nứt khi thay đổi nhiệt độ đột ngột. Trong khi đó, thịt vịt có da dày hơn nên hãy chờ tới khi nước ấm (bắt đầu sủi tăm) mới cho vịt vào nồi.
Bạn có thể dùng nước của 1-2 quả dừa để luộc vịt, thêm lượng nước vừa đủ để ngập toàn bộ con vịt giúp vịt chín đều, không bị thâm. Chờ nước nóng thì cho vịt cùng gừng, sả, hành, muối, rượu vào nồi. Có thể cho cả phần cùi dừa thái miếng mỏng vào nồi luộc cùng vịt.
Khi nước sôi trở lại, hãy vặn nhỏ lửa để vịt chín đều từ trong ra ngoài. Vớt bỏ phần bọt để nước dùng được trong hơn.
Khi luộc vịt được khoảng 15 phút, bạn cho 1-2 quả mướp hương đã gọt vỏ, bổ đôi theo chiều dọc vào nồi, luộc thêm khoảng 5 phút. Tùy theo kích thước của con vịt, bạn có thể điều chỉnh lại thời gian luộc vịt cho phù hợp.
Luộc vịt chung với mướp hương giúp thịt vịt thơm ngọt hơn.
Sau khi luộc, bạn không nên vớt vịt ra luôn. Hãy đậy vung nồi và ngâm vịt trong nước nóng thêm 20 phút nữa. Làm như vậy, thịt vịt sẽ chín hẳn, không bị đỏ, không bị khô.
Để kiểm tra xem thịt vịt đã chín chưa, bạn hãy dùng đũa hoặc que nhọn chọc vào các phần thịt dày như ức, đùi. Nếu không có nước đỏ chảy ra là vịt đã chín.
Bạn có thể vớt thịt vịt ra và ngâm ngay trong thau nước đá lạnh để thịt săn lại, nguội bớt giúp lớp da giòn hơn. Việc ngâm nước đá lạnh cũng giúp chặt thịt vịt dễ hơn, không bị nát.