Lựa chọn của vua Gia Long đã tạo ra một kinh thành Huế có hướng khác biệt so với điểm chung các cung điện xưa và đó là vấn đề phong thủy mà nhiều người bàn tới.
Hướng Nam là hướng vua chúa, sao kinh thành Huế lại lệch hướng Đông Nam?
Năm 1802 Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi xưng là Gia Long đóng đô tại Huế và đắt đầu xây dựng kinh thành Huế. Ông đã chọn xây dựng kinh thành Huế trên khu đất thuộc các địa bàn dân cư gồm: Phú Xuân, Vạn Xuân, Diễn Phái, An Vân, An Hòa, An Mỹ, Thế Lại, An Bửu, trong đó đất làng Phú Xuân hầu hết đều nằm gọn trong phạm vi kinh thành sẽ xây. Điều đặc biệt nhất là kinh thành Huế xây hướng Đông Nam chứ không phải hướng Nam truyền thống.
Để xây dựng kinh thành Huế, nhà vua phải cấp 30 mẫu ruộng, 3 khoảng đất để dựng nhà và 1000 quan để giúp dân Phú Xuân, và 7 làng còn lại mỗi nhà “được cấp 3 lạng và mỗi ngôi mộ dời đi được cấp 2 lạng”. Kinh thành Huế có tổng diện tích 520ha và chu vi 9.889m, vua Gia Long cũng đã chu đáo việc đền bù nhà cửa ruộng vườn để giữ yên lòng dân. Lần giải tỏa này là giải tỏa lớn nhưng đã được tiến hành triệt để khẩn trương, diễn ra trong 2 năm. Đặc biệt mộ vắng chủ được quy tập về nghĩa trang Ba Đòn có đến 10.000 ngôi.
Vua Gia Long đã chọn hướng Đông Nam không phải hướng Nam
Như vậy có thể nói việc xây dựng kinh thành Huế với vua Gia Long rất quan trọng. Mà trong quan niệm thời xưa hướng nhà vô cùng quan trọng và hướng Nam là hướng đẹp nhất. Tại sao Gia Long chọn hướng Đông Nam?
Vua Gia Long đã chọn ngày 9.5.1804 dương lịch để bắt tay xây dựng vòng trong thành (vòng trong của Đại Nội) với tổng chu vi 4 cạnh là 307 trượng, 3 thước 4 tấc (1.229m), thành bằng gạch cao 9 thước 2 tấc (3m68) và dày 1 thước 8 tấc (0m72). Các cung điện của kinh thành đều có ghi rõ ràng các can chi, ngày khởi công xây dựng. Các bảng ghi ngày tháng xây dựng đều có ghi ngày tốt giờ tốt. Như vậy có thể nói vua Gia Long không phải là không tin phong thủy. Nhưng tại sao ông chọn hướng Đông Nam? Hóa ra vì ông có sự ứng dụng phong thủy tuyệt vời và rất chú trọng phong thủy thực tế.
Kinh thành Huế có địa thế đặc biệt nên hướng phong thủy tôt theo thực tế của kinh thành Huế phải là Đông Nam chứ không phải hướng Nam. Bởi địa thế núi sông, long mạch, có cao thấp, có sông suối, đầm núi… ở kinh thành Huế rất đặc biệt.
Kinh thành Huế được xây ở khu vực có địa thế phong thủy cực tốt
Mặc dù truyền thống phong thủy nhà hướng Nam, vua hướng Nam nhưng thực tế đất Thừa Thiên thì dãy Trường Sơn và các núi kề cận kinh đô cho đến Bạch Mã đều chạy hướng Tây bắc – Đông nam. Dựa vào thế đất ấy, kinh thành nhìn về hướng Đông Nam mới là tốt nhất.
Theo phong thủy thì cấu trúc ngôi nhà, cung điện, phía trước sẽ được gọi là chu tước tức chim sẻ đỏ thuộc hướng Nam, là hành hỏa, Phía trái (từ ngoài nhìn vào) gọi là bạch hổ (hổ trắng) thuộc hướng Tây, hành kim. Phía phải gọi là thanh long (rồng xanh) thuộc hướng Đông, hành mộc. Phía sau gọi là huyền vũ (rùa đen) thuộc hướng Bắc, hành thủy. Khi xây dựng kinh thành thì cũng dựa theo hướng thiên nhiên, ngũ hành để khắc chế sửa đổi tạo quân bình, rồi dùng ngũ hành mà tạo lục thân để đoán vị và quy hoạch, bố tri cung điện.
Trong quan niệm phong thủy thì phía Tây thuộc về chủ; phía Đông thuộc về thê thiếp, bạn bè ti bộc, vật giá, châu báu, kho đụn, vật loại… tức là những thứ mà chủ sai khiến, sử dụng; phía sau thuộc về tử tôn, môn sinh, trung thần, lương tướng. Trong khi đó kinh thành Huế có nước bốn bề, nên ở góc nhìn phong thủy được xem là đất phát tài tụ thủy. Nhưng phía Tây tức phía của vua lại có núi xung sát, sông Hương uốn khúc nên hành kim rất vượng hại cho phía Đông, chủ hành mộc (kim khắc mộc). Nếu yếu tố mộc không tốt thì sẽ hạn chế về của cải, dân chúng, thương mại…, kim động sẽ gây hại cho dương trạch nên dễ sinh tật bệnh, tổn hại gia đạo. Vì thế phải xây chúa miếu ở phía Tây để trấn. Đó là lý do ra đời Văn Miếu, chùa Thiên Mụ ở phía Tây kinh thành Huế. Điều đó thấy vua Gia Long đã vận dụng dịch lý và thuật phong thủy theo thực tế địa hình cụ thể của kinh thành Huế để tạo thế phong thủy tốt nhất.
Giả sử kinh thành Huế quay hướng Nam sẽ tạo ra với sông Hương chảy theo hướng Tây nam – Đông bắc, ngang qua kinh thành một góc ước khoảng 45 độ thì các yếu tố phong thủy như Minh đường, Thanh long, Bạch hổ… sẽ không còn giá trị phong thủy nữa. Việc xây kinh thành Huế hướng Đông Nam nên sẽ có sông Hương làm minh đường, hưởng được tính chất tốt của hai hòn đảo nhỏ tức Cồn Hến và Dã Viên.
Sông Hương chảy ngược từ Nam lên Bắc, trong khi đó nếu theo phong thủy thì sông phải chảy từ Bắc về Nam nhưng dòng Hương do địa hình thực tế đã chảy ngược lại. Nhìn rộng ra thì cả khu vực đồi núi này bắt nguồn từ Trường Sơn, tạt ngang ra biển, tạo nên một đại cuộc đất là Hoành Long.
Hơn nữa đặc điểm dòng sông Hương uốn lượn rất nhiều lần qua đồi Vọng Cảnh, chảy về phía Nguyệt Biều, rồi lật trở lại chảy qua mặt thành chứng tỏ là đất có nhiểu sinh khí. Mặt đất nhược dần về phía kinh thành tạo ra một vài thế đất kết tụ gọi là Thủy Hử (phần đất được sông đổi hướng chảy ôm lấy tạo thành). Người xưa cũng cho rằng khi mạch sơn cước như thế thì xuống thấp sẽ hiền hòa và sẽ tạo huyệt địa kết phát. Do đó khu đất xây kinh thành Huế được xem là khu đất tốt phong thủy. Kinh thành Huế xây lên thì thành có án, có tả thanh long, hữu bạch hổ triều củng, có “thủy đáo điện tiền” và đoạn sông trước thành đồng thời đóng vai trò minh đường cho thành.
Hậu thế xem lại thì thán phục hóa ra vua Gia Long rất chặt chẽ khi chọn yếu tố phong thủy để xây kinh thành Huế. Ông là người đã hết sức củng cố thêm những phòng thủ ma thuật thiên nhiên mà tiên chúa Ngãi Vương đã dùng tới…
Kinh thành Huế được đảm bảo cân bằng âm dương
Kinh thành Huế đã được xây dựng theo nguyên tắc cân bằng của ngũ hành. Theo đó thì hệ thống đàn miếu, chùa quán chủ yếu được bố trí ở phía tây kinh thành, cả ở bên trong và bên ngoài. Ở bên ngoài thì có điện Hòn Chén, dưới nữa là Khải Thánh từ (thờ thân phụ Khổng Tử), Văn Miếu, Võ Miếu, chùa Thiên Mụ, miếu Trung Hưng công thần…
Bên trong kinh thành, ở phía tây là đàn Xã Tắc, miếu Đô Thành Hoàng, đàn Âm Hồn… nghĩa là kinh thành Huế có thế giới âm phần tồn tại song song với thế giới của những người đang sống. Điều đó cũng phù hợp với truyền thống kinh đô thường có lăng tẩm dành cho vua chúa và đó là vấn đề quan trọng.
Việc xây dựng lăng tẩm vua chúa ở phía Tây và Tây Nam, thuộc thượng nguồn sông Hương đã tạo nên kinh thành Huế đặc biệt, độc đáo so với đô thị kinh đô thời quân chủ. Đó là mô hình đô thị hài hòa, cân bằng âm – dương, trong đó phần dương cơ ở phía đông là kinh thành, phố thị; phần âm cơ là khu vực lăng tẩm, đàn miếu ở phía tây, tây nam. Sông Hương là trục mềm, là con đường nối kết giữa hai phần này. Chính yếu tố phong thủy đặc biệt của kinh thành Huế khiến nhiều thế hệ học giả sau này phải nghiên cứu tìm hiểu và bàn luận.